Đang quen với môi trường mẫu giáo, bé sẽ ngạc nhiên thậm chí lo sợ khi lên lớp Một, nên đây là giai đoạn chuyển giao cần sự trợ giúp đặc biệt của cha mẹ.
Trên thực tế, quá trình chuyển đổi này được xem là thời kỳ quan trọng đối với sự phát triển tâm lý và học vấn của trẻ nhỏ. Cha mẹ và các thầy cô thường phải đối mặt với những nhiệm vụ đầy thách thức trong việc thay đổi nhận thức, tâm tư, tình cảm của trẻ trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng này.
Những nguyên nhân khiến bé bị áp lực khi lên lớp Một
- Thầy cô mới, bạn mới.
- Ngồi bàn riêng, ghế riêng, đồ dùng học tập riêng thay vì chơi chung đồ, ngồi chung thảm và ngủ chung giường với các bạn như khi còn học mẫu giáo.
- Phương pháp giảng dạy khác, các môn học nặng và nhiều thông tin.
- Thời gian ra chơi ngắn hơn.
Một số lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh để giúp con không hẫng khi vào lớp Một
1. Kiểm tra và đánh giá xem bé đã thực sự sẵn sàng hay chưa
Mẹ cần lập bảng checklist để kiểm tra mức độ sẵn sàng của bé về mặt thể chất, nhận thức, tâm lý. Thời điểm kiểm tra khác nhau cũng cho kết quả khác nhau. Bảng checklist sẽ giúp phụ huynh đánh giá toàn diện các kĩ năng của bé như nghe, nói, đọc, viết, giao tiếp, qua đó có phương án giúp bé điều chỉnh cho hợp lý trước khi tới trường.
2. Rà soát kỹ năng hiện tại và giúp bé củng cố thêm
Phụ huynh có thể giúp con thích nghi với chương trình học của lớp Một bằng cách xem xét và kiểm tra lại các kỹ năng mà bé đã học ở lớp mẫu giáo. Trong kì nghỉ hè hoặc thời gian rảnh rỗi, cha mẹ có thể tận dụng cơ hội giúp bé củng cố kĩ năng và vốn kiến thức bé đã có trước đó.
3. Cho bé làm quen với trường học
Trước ngày đầu tiên đi học, mẹ hãy đưa bé đến trường mới, chỉ cho bé con đường sắp tới bé sẽ đi, các tòa nhà xung quanh trường, các loại cây có trong sân trường. Nếu được, mẹ cũng có thể đưa bé đến gặp cô giáo chủ nhiệm tương lai của bé, đề nghị được vào lớp học mới, cho bé ngồi thử chỗ ngồi của mình. Với sự chuẩn bị kĩ cả về thể chất và tâm lý, chắc chắn các bé sẽ không còn quá lo sợ với trường lớp mới nữa.
4. Bắt đầu làm quen với nếp sinh hoạt mới
Khoảng một tuần lễ trước khi bắt đầu đi học, mẹ hãy cho con đi ngủ sớm hơn bình thường. Sáng dậy theo giờ đi học, chuẩn bị quần áo và cho bé ăn sáng như đang bắt đầu đến giờ đi học. Chắc nhiều bé sẽ háo hức đi học hơn là lo sợ vì mẹ đã cho bé “thời gian đệm” như thế này.
5. Hướng dẫn bé sắp xếp dụng cụ học tập ngăn nắp
Một số bé chưa biết cách sắp xếp đồ dùng học tập sao cho ngăn nắp và khoa học. Lúc này mẹ chính là trợ thủ đắc lực, hãy giúp bé và hướng dẫn bé sắp xếp, thay đồ, đeo giầy, chuẩn bị cho một ngày đến trường thật gọn gàng và khoa học.
6. Cùng con chuẩn bị và mua sắm đồ dùng học tập
Sao mẹ không đưa bé đi mua đồ dùng học tập cùng thay vì cứ tự mua sắm một mình? Bé cũng cần được biết bố mẹ mua gì, vì bé mới là người dùng, bé cần được nêu ý kiến và trực tiếp chọn món đồ bé muốn, màu sắc bé thích. Điều này sẽ giúp bé phấn khởi và thích thú hơn với việc đi học.
7. Hành trang cuối cùng và quan trọng nhất: Tạo cho con tính tự lập
Lên lớp Một, môi trường học tập hoàn toàn khác với lớp học mẫu giáo, bé sẽ phải có tinh thần trách nhiệm cao hơn, thường xuyên ở trường cùng hoạt động nhóm với các bạn, làm bài tập cô giao. Chính vì vậy việc tạo cho con tính tự lập vô cùng quan trọng.
Cô giáo sẽ giao bài tập về nhà với độ khó tăng dần, số lượng có thể nhiều hơn. Nhiệm vụ của cha mẹ là giúp bé về mặt tinh thần, động viên và khuyến khích bé tự giác hoàn thành bài tập rồi đưa cha mẹ kiểm tra. Hãy giúp bé nhận thức được trách nhiệm trong học tập, tính tự giác cao mà không cần mẹ nhắc nhở, quát mắng mới chịu ngồi vào bàn học. Khi ở nhà, cha mẹ có thể rèn luyện tính độc lập cho con bằng cách giao nhiệm vụ tự chuẩn bị đồ dùng, sách vở để hôm sau sẵn sàng đến lớp. Cha mẹ chỉ là người theo dõi, kiểm tra và đinh hướng chứ không phải người làm thay bé.
Trên đây là những lời khuyên thiết thực và hữu ích dành cho cha mẹ khi có con chuyển giao từ giai đoạn mẫu giáo lên lớp một. Cha mẹ có chuẩn bị tốt, con mới vững vàng và không còn bỡ ngỡ, lo sợ.