Hầu hết trẻ đều bị chân vòng kiềng sinh lý và sẽ tự khỏi. Nắn bóp chân cho trẻ không có tác dụng nếu trẻ bị chân vòng kiềng bệnh lý.
Không biết quan niệm nắn bóp chân cho trẻ sơ sinh có từ khi nào, dựa trên cơ sở khoa học nào? Nhưng không ít các bà các mẹ ngồi đâu cũng bóp bóp nắn nắn chân cho bé. Hỏi thì các bà bảo bóp cho "xuống sữa", bóp cho khỏi bị chân vòng kiềng. Có khi thấy mối nguy hại cho các bé trước mắt đó nhưng góp ý thì động chạm tự ái, chắc gì các bà, các mẹ đã nghe, quan niệm xưa giờ vậy rồi. Bất chấp cái quan niệm đó có khi làm hỏng chân trẻ, làm xô lệch cấu trúc xương vốn bình thường của trẻ, làm ảnh hưởng vận động của cả thế hệ tương lai.
Cứ nhìn nền thể thao nước nhà thì biết, ngoài tấm HCV quốc tế bộ môn bắn súng thì có HCV về bộ môn vận động nào đâu? Vì sao khó mà tìm thấy một hình ảnh em bé nước ngoài ngồi trên xe tập đi, nhưng ở trên facebook chúng ta hằng ngày vẫn đầy những video nhiều bé chưa đến 6 tháng tuổi (chưa đến độ tuổi biết ngồi) vẫn ngồi xe tập đi một cách hứng khởi và chạy lòng vòng khắp nhà.
Tất nhiên có nhiều yếu tố tác động, nhưng cái chính vẫn xuất phát từ quan niệm sai lầm của người lớn chúng ta. Cứ nghĩ rằng cho bé ngồi xe sẽ nhanh biết đi hơn, bé vui thú hơn, ba mẹ tiện lợi và rảnh tay làm việc gì đó. Nhưng không biết rằng tác hại của xe tập đi cũng vô cùng lớn mà chúng ta không nhìn thấy ngay được.
Nếu bắt trẻ đi khi hệ gân-xương-cơ và dây chằng chưa phát triển đủ sức cho hoạt động này sẽ ảnh hưởng xấu, thậm chí còn biến dạng xương chân. Trẻ chỉ cần nhón chân là xe trượt đi, di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể thì hệ thần kinh cũng bị mất đi những thông tin cảm giác cần có để trẻ học đi hiệu quả.
Việc di chuyển mà không cần cố gắng sẽ càng khiến trẻ lười tập đi khi thực sự đến lúc phải đi.
Hầu hết trẻ đều bị chân vòng kiềng sinh lý
Phần lớn bé sơ sinh đều bị chân cong do tư thế nằm trong bụng mẹ gọi là cong sinh lý (chân vòng kiềng sinh lý). Thường đến 2 tuổi chân bé tự thẳng, vì giai đoạn này bé tự vận động và đứng đi nhiều nên chân tự điều chỉnh mà không cần xoa bóp hay tác động gì.
Trong trường hợp chân bị cong vì bệnh lý (chân vòng kiềng bệnh lý) thì phương pháp nắn bóp bằng tay tại nhà thật ra chẳng có hiệu quả gì, cũng không hề có tác dụng cải tạo cấu trúc xương, có khi còn làm sai gây viêm cơ, lỏng khớp, xô lệch cấu trúc xương cho đôi chân non nớt của trẻ.
Cách kiểm tra chân con có bị vòng kiềng không?
Nếu các bạn còn đang lo lắng phân vân về chân của con mình, liệu thế này có bị vòng kiềng không? Các mẹ hoàn toàn có thể tự kiểm tra bằng cách đơn giản sau: Đặt bé nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, hai mắt cá trong chạm vào nhau, sau đó đo khoảng cách giữa hai đầu gối.
Nếu khoảng cách này nhỏ hơn 10 cm là trong giới hạn bình thường, ba mẹ có thể yên tâm cho con vận động, đồng thời theo dõi sự phát triển của bé cũng như tiến triển của chân bé.
Nếu khoảng cách này lớn hơn 10 cm ba mẹ nên đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa Vật Lý Trị Liệu tại các bệnh viện nhi hoặc trung tâm chỉnh hình nhi để được hướng dẫn tập luyện và điều trị hợp lý.
Một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến chân vòng kiềng bệnh lý người lớn vô tình tạo áp lực trên đôi chân chưa hoàn chỉnh về hệ cơ xương của bé, nhất là bé thừa cân và cho đứng đi, nhún nhảy sớm (trước 7-9 tháng).
Mỗi bé có cấu trúc xương và sự phát triển khác nhau nên độ tuổi đứng đi cũng khác nhau, không nên so sánh con mình với các bé khác.
Đối với các bé lớn, ba mẹ cần lưu ý các tư thế đứng - ngồi của con. Tránh ngồi tư thế hình chữ W và đứng ưỡn chân ra sau.
Để giữ cho chân bé phát triển tốt nhất, hãy để bé tự đứng lên, và chỉ khuyến khích trẻ đi khi đã đứng vững trên đôi chân của mình ba mẹ nhé!